30-04-1975

Tháng 4 – Lời muộn phiền của người 64 tuổi

Sống & Nhớ lấy – Đỗ Trung Quân

ta mang tuổi hai mười vào rừng 8 năm
4 năm những vùng kinh tế mới
3 năm lòng hồ dầu tiếng – chiến khu dương minh châu
1 năm chiến trường biên giới K máu và không chắc còn nước mắt
trả xong món nợ lý lịch dù không con sĩ quan
dù không nhà địa chủ
thân thế ngay trên vai , mái tóc dài
hippie choai choai
ta trả nợ xong một phần “ tiểu tư sản thị thành ”
ba lô về , cuộc đời làm lại.
căn cước mới
lý lịch thêm dòng “ thanh niên xung phong “
xong !

mất đến 20 năm
ta mới nhận ra mình thành kẻ nợ
nợ cả một đời ..

ta nợ những đêm xuống tàu định mệnh
cuộc đào thoát bi thảm
không internet
không một dòng thông tin
ta bình yên kiếm sống
vênh váo hư danh
hãnh tiến “ trong hào quang bóng tối “

ta nợ bạn bè học tài thi phận
thi bao nhiêu lần cũng rớt
học bao nhiêu cũng ra vỉa hè chanh ớt
bán dạo – chợ trời…
lý lịch xét 3 đời
oan khuất

ta nợ bạn ta xó chợ đầu đường
bán từng cái quần , cái áo
ta chễm chệ trên ghế ngồi giám khảo
nhét túi phong bì
những lễ hội phù hoa
dìm ta tận đáy ..

ta nợ như kẻ vô tâm
mắt mù

ta nợ những con thuyền vỡ nát
phận người chìm đáy biển sâu
ta như kẻ nợ
dù không vay

tháng tư hoa phượng cháy
nám cơn mưa sầm đen
ta biết ta còn nợ
những bình minh chưa lên ..


Đỗ Trung Quân
[ tháng tư 2019 – phú nhuận – gia định thành – sài gòn ]

Advertisement

Tạ tội

Tôi không viết về tháng tư
vì không đủ sức thắp hương
cho hơn triệu chiến binh Nam Bắc
đã ngã xuống vì huynh đệ tương tàn
Tôi không viết về tháng tư
vì không đủ nước mắt
khóc cho trăm nghìn người
vùi thây trong rừng sâu biển cả
khi đi tìm tự do
Tôi không viết về tháng tư
vì không chia sẻ được những đớn đau, căm hận
của những phụ nữ bị cưỡng hiếp
của những nạn nhân bị cướp, giết
làm tan nát giấc mộng tự do
Tôi không viết về tháng tư
vì chưa “được” hưởng mùi “cải tạo”
chưa phải đếm miếng ăn, đo chỗ ngủ
chưa bị sốt rét, kiết lỵ, khủng bố tinh thần
chưa học tập làm lao công, nô lệ
để thấm, hiểu, đã bị mất quyền NGƯỜI.
Tôi không viết về tháng tư
vì không chia sẻ được niềm vui của bên thắng cuộc
ăn mừng trong buổi đại tang của hàng triệu gia đình
sỉ nhục rồi vuốt ve “khúc ruột ngàn dặm”
nhưng với những “kẻ lạ”, “tàu lạ” lại bợ đỡ, bao che
và trừng phạt những “kẻ” thấp cổ, bé miệng lại bày trò phản đối
và vì tôi không nói được bằng loa
không bịt miệng người bằng dùi cui, báng súng.
vì tôi
không vui được niềm vui đó
Tôi không viết về tháng tư
vì không biết nhờ tháng tư để tiến thân, thăng chức
vì không kinh doanh bằng vốn từ những tài sản cướp được
vì không thảo những “dự án” công để bỏ túi lợi tức riêng
vì không biết xây tượng đài, xây những chiếc cầu nửa năm gãy đổ
vì không biết cách làm giàu trên xương máu những người công nhân, nông dân khổ cực
vì không phải là đảng viên của một hội khởi sinh từ mafia quốc tế.
Và vì không phải chỉ có những lý do đó
tôi đã đếm nhiều lần mà không xuể
nên không dám viết về tháng tư
Tôi không viết về tháng tư
vì đã bao nhiêu tháng tư rồi nhỉ
bao nhiêu năm đất nước đã sa lầy
bao nhiêu thế hệ sẽ hỏng từ gốc rễ
bao nhiêu tham ô mới thỏa mãn giới cầm quyền
bao nhiêu nhân phẩm bị chà đạp hàng giây
và bao nhiêu nụ cười tự mãn
trên những cái “bao nhiêu” khác.
Tôi không viết về tháng tư
vì còn tháng năm, tháng sáu
đừng để tháng bảy
thành tháng lãng quên
rồi cứ mỗi năm
đến tháng tư lại nhớ
Tôi không viết về tháng tư
vì không muốn chỉ tháng tư
mới nhớ chuyện đất nước
Tôi không viết về tháng tư
vì không đủ giấy để viết.
Nhưng tôi còn hy vọng
vào những mầm non, giống tốt
sẽ tạo nên một phép lạ
để tháng tư về lại trên lịch cũ
có những tháng ngày “tử tế”
có liêm sỉ, có tín nghĩa, có tình người
và bài thơ của tôi sẽ bị một ngọn lửa thuần thanh thiêu hủy
để con người trở lại với bình thường.
Tôi không viết về tháng tư
Xin loài người tha tội.

DQ Do
Nguồn : FB DQ Do

Ký Ức Tháng Tư

KyUcThangTu
Trong ký ức tháng tư
Từng đoàn người gồng gánh bế bồng nhau tìm đường sống
Trẻ thơ mắt chưa hết thơ ngây ngồi thu lu trong thúng, giỏ kĩu kịt quang gánh hai đầu
Thiếu phụ tay đỡ mẹ già, tay xách nách mang nào túi nào nải gói trọn cả gia tài kích cóp
Người thương binh băng, bông máu chưa kịp sạm màu

Trong ký ức tháng tư
Người ta đầu trần chân đất từ miền Trung nắng nỏ
Xuôi Nam trong tiếng bom dội, tiếng đại bác rền,
Trên không, trực thăng vần vũ
Dưới đất, xe nhà binh nhiều bánh, xe nhà bốn bánh, xa ba gác, xe đạp, xe gắn máy len lách cố tiến nhanh
Bụi mù trời, lớp này chưa kịp lắng, lớp khác đã bay lên
Nhớp nháp, đổ lứa… đi tới
Sinh lộ là đây, cứ bước, phải bước dù không biết sẽ về đâu

Trong ký ức tháng tư
Những ngôi trường vắng học sinh nhưng lại đầy người tỵ nạn
Những gói quà tiếp tế nhu yếu phẩm chuyền tay nhau
Chiếc thau nhựa, bánh xà phòng, hộp cơm, lon nước
Quần áo, dép giày cũ
Từng viên, từng muỗng thuốc
Sẻ chia đau thương, sẻ chia bất hạnh
Ngày mai… có phải đã ở lại sau lưng ?

Trong ký ức tháng tư
Hành lý ngổn ngang, hơi người nồng nặc
Bến tàu, sân bay nghẹt người, sống chết bám víu hy vọng một chuyến viễn hành
Mùa biển lặng nhưng người đang bạc đầu ngọn sóng
Trời không mây mà ta giông bão dập vùi
Đi đâu ? Về đâu ? Mang đời ra đặt cược
Được, thua gì rồi thì cũng sẽ khoác lên người cái mác lưu vong !

Trong ký ức tháng tư
Có ngày hai mươi ba năm mười bẩy tuổi
Một chỗ nằm trong chiếc C một ba mươi
Ghì chặt trong tay giỏ xách màu xanh in hai chữ Pan Am màu trắng
Hai bộ bà ba đen, một đôi giày bố
Một lọ đường, một lọ muối, vài gói mì ăn liền, hai bao gạo sấy
Ít giấy tờ tùy thân và một trăm đô
Là tất cả hành trang của kẻ may mắn sớm sống đời tỵ nạn
Bốn mươi mốt năm rồi, vẫn và càng canh cánh nỗi quê xa !

Phương Khanh Phạm
2016
Nguồn : FB Phương Khanh Pham

 

Bốn Mươi Năm đợi

Conclusion

Trên biển mặt trời chết chiều nay
mai từ biển mặt trời sống lại
bốn mươi năm em ở nơi này
nhìn mặt trời chết đi sống lại

mỗi một năm thay đổi thịt da
em theo thời gian về phía trước
bỏ lại sau lưng những ngôi nhà
ghép từng mảnh những điều mơ ước

khu vườn mới tìm viên sỏi cũ
nhặt giữa xanh rêu tiếng thở dài
em hỏi bàn tay còn vết xước
bốn mươi năm da đóng vảy chưa

người về quê trách sông bội bạc
thiếu nữ trôi theo đám lục bình
tắp ở khúc nào không ai biết
hỏi bờ, bờ giấu mặt lặng thinh

bốn mươi năm người thân sót lại
mỗi năm nằm xuống một đôi người
như bàn tay mất dần từng ngón
còn ngón nào che mặt hổ ngươi

bao lần vừa đi vừa ngoảnh lại
bàn chân phía trước vẫn bước đều
em đi hoài không biết đi đâu
những con đường mưa như mắt đỏ

những hàng thông lá như lệ xanh
trái tim em mỗi ngày vẫn đập
có lúc bi ai lúc nồng nàn
thành phố đã một phần da thịt

như con bò trên đồng cỏ mới
em nằm nhai lại nắm rơm khô
nắm rơm giấu bốn mươi năm cũ
vừa nhai vừa khóc nhớ quê xưa

như những người du mục tha phương
tìm nơi khuất gió gửi bàn chân
những ngón chân một thời rất lạnh
tình ai đã mở một góc chăn

bốn mươi năm em đợi tiếng chuông
ở một ngôi chùa nào xa lắm
ở một giáo đường không hình bóng
tiếng chuông khua thức những cơn mê

bốn mươi năm em chờ tiếng gọi
như sóng ngàn đêm gọi thuyền về
cả thuyền cả sóng tan như bọt
bãi nằm thấm mãi nỗi đau tê

bốn mươi năm trên miền đất này
đời luôn đẩy em về phía trước
nắng bao dung và gió nhân từ
sợi tóc xanh một ngày bỗng trắng

bốn mươi năm trên miền đất này
mặt trời chết không ai đau đớn
trên những cánh đồng vẫn nở hoa
đón sáng mai mặt trời sống lại

bốn mươi năm ngày em bỏ đi
mặt trời cũng chết chiều hôm đó
những vốc lệ trời như máu nhỏ
những tiếng cười nhuộm đỏ vết thương

bốn mươi năm em đứng nơi này
chờ mặt trời trên quê sống lại
em sẽ về đánh luống yêu thương
trồng xuống những trái tim nhân ái

Trần Mộng Tú
Viết cho tháng 4/2015

Bài Thơ Tháng Tư

HinhSinhVien27thang4nm1975taiParis

Mỗi năm vào dịp tháng tư
Tôi lại giống như một ông đồ già
Loay hoay bày ra giấy bút
Cố viết một bài thơ về đất nước
Chuyện bên nhà và cả chuyện lưu vong
Nhưng đã bao lần bút gãy mực loang
Bài thơ tháng tư tôi chưa hề viết được.
Phải chăng khi đến tận cùng khổ nhục
Con người bỗng trở nên
Bình thản tự nhiên
Có những chuyện buồn nhức nhối con tim
Vẫn có kẻ
Có thể bật cười
Dù là cười chua chát
Bài thơ nầy chắc sẽ dài
Vì đời tôi nhiều lưu lạc
Và cũng chắc sẽ buồn
Vì là chuyện nước non.
Phải chăng tôi nên bắt đầu
Khi những chiếc trực thăng
Sắp sửa rời thành phố
Trong đám người đang bon chen lố nhố
Tôi thấy dường như
Nhiều con chuột cống ở Sài Gòn
Cũng cố kiếm đường đi
Chúng cõng trên mình những chiếc va-li
Chứa đầy đô la vàng bạc
Dành dụm từ thời đi buôn gạo lậu
Dấu diếm từ thời lo bão lụt miền Trung
Tôi thấy chúng nghiêng mình
Hai gối run run
Trước những anh cảnh binh người Mỹ
Chúng nói những gì tôi nghe không kỹ
Chỉ thấy họ lắc đầu
Rồi bước vô trong
Có lẽ lại là chuyện hối lộ
Ðể dược đi đông
Ngòai chuyện ấy chúng còn biết gì hơn nữa
Tôi đứng nhìn qua đôi cánh cửa
Cầu mong cho chúng được đi mau
Những con chuột cống nầy
Gặm nhấm đã lâu
Và bán nước từ khi còn rất trẻ
Thuở Tây qua chúng đầu quân rất lẹ
Tây bỏ đi chúng theo Mỹ vì đô-la
Những chuyện về chủ nghĩa quốc gia
Hay dân tộc thiêng liêng
Chúng đọc biết bao lần
Nhưng chưa hề hiểu nghĩa
Tôi đứng nhìn qua đôi cánh cửa
Thầm cầu mong cho chúng được đi nhanh.
Phải chăng tôi nên bắt đầu
Khi những chiếc xe tăng
Lăn xích tiến vào thành phố
Tôi đứng lặng nhìn Tự Do vừa sụp đổ
Cây Dân Chủ chưa xanh
Ðã héo úa bên đường
Mới giã từ một bọn bất lương
Lại phải đứng nhìn những tên ăn cắp
Chúng đang nhân danh
Hòa bình
Tự do
Thống nhất
Ðể biến con người thành con vật ngây thơ
Chỉ biết lắng nghe
Chỉ biết cúi đầu chờ
Chỉ biết Ðảng
Ðảng trở thành tất cả
Lịch sử, tình yêu, tổ tiên, mồ mả
Chỉ còn là những chuyện phù phiếm, viễn vông
Chúng biến những nương dâu bãi mía cánh đồng
Thành những nông trường hoang vu tập thể
Biến nhà máy thành những nơi hoang phế
Biến học đường
Thành những nơi để thầy trò tố cáo lẫn nhau
Biến cả bình minh thành những tối thương đau
Biến tình yêu
Thành hận thù
Bon chen
Nghi kỵ
Từ thôn quê cho đến nơi đô thị
Ðã mọc thêm nhiều nhà cách mạng thứ ba mươi
Những bạn bè thân thiết thuở rong chơi
Bỗng một sáng thành những têm chém trộm
Chế độ đã dạy cho chúng
Một con đường tồn tại
Con đường phản bội lương tâm
Phản bội gia đình tổ quốc nhân dân
Phản bội chính tâm hồn vốn rất đáng yêu của chúng
Tôi đứng nhìn non sông đang phủ xuống
Một màu đen tang tóc đau thương
Người lính bộ binh buông súng đứng bên đường
Ðang cúi mặt cố che niềm tủi nhục
Anh không khóc
Sao trời như bão động
Anh không cười
Sao chua chát nghẹn trên môi
Về đâu anh nắng đã tắt trên đồi
Sương đang xuống trên cuộc đời còn sót lại
Ðời của anh
Ðời một tên chiến bại
Có gì vui để lại mai sau.
Phải chăng tôi nên bắt đầu
Khi những chiếc xe bộ đội nối nhau
Mang gia đình tôi đến vùng kinh tế mới
Ðến Ðồng Xoài trời vừa sập tối
Lại phải sắp hàng nghe nghị quyết triển khai
Gia đình tôi bảy người
Chen chúc tránh mưa
Căn nhà nhỏ một gian không vách
Mẹ tôi ngồi đôi tay gầy lạnh ngắt
Vẫn cố nhường chỗ ấm cho con
Gạo lãnh lúc chiều không đủ nấu cơm
Nên đêm ấy cả nhà ăn cháo trắng
Mỗi giọt cháo là một liều cay đắng
Chảy vào vết thương đang ung mủ trong hồn
Tôi, đứa con đầu trong bảy đứa con
Hơn hai mươi tuổi vẫn hai bàn tay trắng
Nuôi tôi lớn
Mẹ một sương hai nắng
Học ra trường lương không đủ nuôi thân
Mẹ tôi chưa hề trách cứ phân vân
Nhưng tôi đọc những buồn lo
Từ trong ánh mắt
Ðêm hôm ấy tôi ngồi nghe mưa rót
Vào lòng tôi những chua xót căm hờn
Bao năm rồi trong cảnh cô đơn
Mẹ tôi sống
Ðôi mắt buồn hiu
Chưa bao giờ khô lệ.
Phải chăng tôi nên bắt đầu
Khi chiếc ghe nhỏ
Máy hư
Ðang thả lênh đênh trên biển
Bốn phương trời chưa biết sẽ về đâu
Biển vẫn vang lên những khúc nhạc sầu
Ðược viết bằng những cung trầm
Ðong đưa vào vô tận
Như để tiễn đưa tôi
Một người Việt Nam bạc phận
Ði về bên thế giới hư vô
Chiếc quan tài mong manh trên sóng nhấp nhô
Ðang tiếc nuối những gì còn sót lại
Biển một màu đen
Tang chế
Buồn man dại
Và âm u như số phận con người
Ngồi một mình yên lặng trên mui
Cố nghĩ một câu thơ để làm di chúc
Dù biết chẳng còn ai để đọc
Chẳng còn ai thương tiếc tấm thân tôi
Hai mươi sáu năm lưu lạc trên đời
Sống chưa đủ nhưng đã thừa để chết
Lòng tôi an nhiên không hề sợ sệt
Bỗng thấy ung dung thanh thản lạ thường
Tôi chợt hiểu tại sao
Con người ai cũng khóc khi sanh
Nhưng nhiều kẻ lại mỉm cười khi nhắm mắt
Hai mươi sáu năm
Ðời tôi buồn hiu hắt
Chẳng còn gì để lại cho nhân gian
Tuổi thanh xuân với chút mộng vàng
Ðã vụt tắt ngay trong ngày nước mất
Nếu tôi có chết hôm nay
Cũng chẳng phải là người thứ nhất
Và hẳn nhiên không phải kẻ sau cùng
Trên vùng biển nầy từ độ tháng tư đen
Ðã thắm máu bao nhiêu người Việt Nam mất nước.
Phải chăng tôi nên bắt đầu
Bằng những ngày đầu tiên trên Mỹ quốc
Bước chân hoang trên xứ lạ quê người
Ngỡ ngàng nhìn cuộc sống nổi trôi
Không dám khóc
Chẳng dám cười
Chỉ biết xót xa
Ngậm ngùi
Ngơ ngác
Thiên hạ nhìn tôi một người tỵ nạn
Dăm kẻ đã sớt chia
Cũng đôi kẻ khinh thường
Tôi hiểu ra rằng khi rời bỏ quê hương
Là chối bỏ những gì yêu quí nhất
Hai chữ tự do tôi vô tình đánh mất
Cứ tưởng rằng mình đang giữ nó trên tay
Tự do là gì tôi đã hiểu sai
Nó vô nghĩa đối với một người không tổ quốc
Ðêm đầu tiên tôi nằm nghe thương nhớ
Chảy vào tim đau nhức tận linh hồn
Mẹ tôi giờ nầy còn khóc nữa không
Hay cố ngủ để chiêm bao giờ hạnh ngộ
Em tôi đứng thập thò trên góc phố
Ðợi anh về dù chỉ mới ra đi
Người con gái tôi yêu đang tuổi xuân thì
Có về lại một lần thăm xóm vắng
Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Ở bên nầy tuyết vẫn trắng như tang
Nhìn thành phố nguy nga tôi thấy ngỡ ngàng
Thấy tội nghiệp cho Sài Gòn tăm tối
Tôi nhớ cả những con đường lầy lội
Những con đường ngày hai buổi tôi đi
Tôi nằm mơ làm một cánh chim di
Bay trở lại một lần rồi sẽ chết
Hai tiếng quê hương sao vô cùng tha thiết
Học lâu rồi nhưng mới hiểu ra đây
Quê hương là những gì tôi không có hôm nay.
Mười bảy năm đã trôi qua
Sài Gòn xưa vẫn thế
Vẫn những đau thương dằn vặt kiếp con người
Mười bảy mùa thu
Bao độ lá vàng rơi
Tóc mẹ trắng
Bạc theo từng nỗi nhớ
Mẹ tôi đã bỏ vùng kinh tế mới
Về lại Sài Gòn tìm một chỗ che mưa
Cuộc sống bây giờ đã đỡ hơn xưa
Bởi vì có tôi
Chứ không phải nhờ có đảng
Em tôi lớn không làm người Cộng Sản
Nên suốt đời phải lam lũ kiếm ăn
Tuổi hoa niên chỉ có một lần
Chúng đã bỏ quên trên vùng Kinh Tế Mới
Mười bảy năm đường Sài Gòn vẫn tối
Mưa vẫn rơi hoài
Trên lối cũ thân quen
Người phu quét đường vẫn dậy sớm mỗi đêm
Ôm chiếc chổi lạnh lùng khua góc phố
Bác xích lô trên đoạn đường loang lỗ
Bao năm rồi vẫn đi sớm về khuya
Chiếc lưng trần trầy trụi với nắng mưa
Không dám trách ai
Chỉ đổ thừa số mạng
Cậu bé đánh giày ngày xưa
Bây giờ đã trở thành tên du đãng
Học thêm nghề đâm mướn chém thuê
Tương lai em biền biệt sẽ không về
Cơn gió lốc cuốn đi thời thơ dại
Những con chuột cống ra đi
Một số hình như đang tìm đường trở lại
Vì tham nhũng lâu ngày nên đã hóa thành tinh
Chúng đang biến thân làm lãnh tụ anh minh
Tung bùa phép để thu hồi quyền lực
Tội nghiệp đồng bào tôi
Ðã bao đời khổ cực
Sẽ thêm một lần ngậm đắng nuốt cay
Ở tại Việt Nam trong mười bảy năm nay
Ngoài tham nhũng
Năng xuất chẳng có gì tăng nhanh hơn là nghị quyết
Ðảng Cộng Sản vẫn tự khoe khoang
Là muôn đời bất diệt
Vẫn le lói giữa đêm mưa một bóng sao vàng.
Và tôi
Bao năm rồi vẫn những bước chân hoang
Rất mệt nhọc như giòng sông chảy ngược
Baì thơ tháng Tư tôi chưa hề viết được
Mười bảy năm dài đâu chỉ kể dăm trang
Trước những đau thương của đất mẹ điêu tàn
Ngôn ngữ của tôi đã trở thành vô nghĩa
Ðời của tôi dù buồn bao nhiêu nữa
Cũng không buồn bằng chuyện nước tôi đau
Baì thơ nầy dù viết đến năm sau
Cũng chỉ là bài thơ dang dở.

Trần Trung Ðạo

Tháng Tư Sừng Sững Đứng

30thang4-1975

Tôi thức dậy trong đêm
gió đập ngoài cửa sổ
đồng hồ một giờ sáng
đêm đã bước qua ngày
con số 30 gẫy
Tháng tư từ từ rơi
nốt giọt thời gian cuối
Tôi căng mắt nhìn đêm
đêm như những thước phim
quay rã rời từng khúc
kín mít căn buồng nhỏ
đoàn người như con rối
chạy đâm xầm vào nhau
âm thanh của phim câm
trùng trùng cơn phẫn nộ
máu chẩy trong bóng đêm
bầm một màu đen tím
lửa cháy trong bóng đêm
lan ra từng con hẻm
lửa ghé vào căn nhà
thằng bé như ngọn đuốc
Tôi căng mắt nhìn đêm
bỗng nghe tiếng súng nổ
từng tiếng một lạnh lùng
như có ai đang đếm
mỗi viên đạn bay ra
có cả mẹ cả cha
ngã chồng lên con trẻ
họ chọn chết như thế
giữa một ngày tháng tư
Tôi căng mắt nhìn đêm
đêm như cánh buồm đen
kéo người ta ra biển
biển nhận họ chìm lỉm
biển hắt họ lên bờ
họ tan như ốc vỡ
sóng như giải khăn sô
Tôi căng mắt nhìn đêm
Tháng Tư sừng sững đứng
với tất cả oan khiên.
Trần Mộng Tú
 

 

Ngậm Ngùi Tháng Tư


 

Ngày tháng tư buồn lên ngọn cỏ
Chim xa bầy nhớ cội nhớ cây …
Cơn nước đưa trôi giạt chốn nầy,
Con thuyền vẫn mơ hoài bến cũ ..
Ngày tháng tư buồn chung còn đó,
Bận tâm gì một chút hư danh ?
Cho anh em nhìn nhau xa lạ
Ngậm ngùi bao chiếc lá lìa cành …

hmh

Thơ Tình Tháng Tư

 

Em ơi lại một Tháng Tư

Bao nhiêu mong ước đợi chờ bằng không

Tháng Tư nước chảy đôi dòng

Anh lên mạn ngược em vòng nẻo suôi …

Ðường xa đo ánh mặt trời

Tình xa đo sóng biển khơi dạt về

Từ em nếm thử cơn mê

Nhớ thương nối sợi tóc thề dài hơn

Từ khi cây cỏ biết hờn

Chia ly từng cánh mây buồn cuốn theo

Từng manh lá biếc bay vèo

Ngập ngừng gió gọi thông reo trên ngàn

Anh về vướng bụi quan san

Ðầu non trăng úa tuyết tan bao giờ?

Hai mươi năm mấy lần mơ?

Ba mươi năm mấy lần chờ bình minh?

Tháng Tư! duyên phận chúng mình

Cho em, anh viết thơ tình Tháng Tư

Đông Anh

Sài Gòn Niềm Nhớ

Anh phương đó có còn vui không nhĩ?

Có còn đau niềm uất hận chia xa. . .

Có còn thương khi những kẽ xa nhà.

Mà tin nhạn một thời thôi biền biệt. . .

Anh ở đó có bao giờ anh biết?

Những người đi vẫn quyết buổi quay về

Mang theo ta những nỗi buồn khôn xiết!

Một lần thôi vẫn quyết trọn câu thề,

Ôi nhớ quá ngàn thông xanh nước biết,

Của một thời tha thiết tuổi hoa niên,

Gắn vói đời trôi trên khắp mọi miền,

Ta vẫn nhớ Sài Gòn muôn thuở trước!

Nguyễn Tiến Quỳnh Giao